Tin tức Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon - bkav.com
Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã và đang trở thành một yêu cầu không thể thiếu đối với ngành Thuế. Đặc biệt, với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, ngành Thuế Việt Nam đã tiên phong trong việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử, tạo ra môi trường quản lý thuế minh bạch, hiệu quả, đồng thời giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ giúp công tác giám sát và quản lý thuế minh bạch, hiệu quả
Lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ
Từ những ngày đầu triển khai thuế điện tử vào năm 2009, đến nay, ngành Thuế đã xây dựng một hệ thống thuế điện tử tích hợp, góp phần tạo nên những thay đổi rõ rệt trong công tác quản lý thuế. Các dịch vụ thuế điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và DN mà còn làm tăng tính minh bạch trong quản lý thuế.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn, ngành Thuế đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử trên toàn quốc với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp (DN) dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế của mình. Các dịch vụ thuế điện tử bao gồm khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử và tích hợp trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax, ...
Từ năm 2009, ngành Thuế Việt Nam đã đưa vào hoạt động dịch vụ khai thuế điện tử, tiếp theo là nộp thuế điện tử vào năm 2014 và hoàn thuế điện tử vào năm 2017. Những dịch vụ này không chỉ giúp DN, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế mà còn giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu sự can thiệp của con người trong các công đoạn quản lý thuế.
Nền tảng thuế điện tử eTax, được triển khai từ năm 2018, đã thực sự tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác quản lý thuế. Với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, hệ thống này đã giúp ngành Thuế thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu thuế một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu các sai sót và cải thiện sự chính xác trong công tác thu thuế.
Một trong những thành tựu đáng chú ý của ngành Thuế trong công cuộc chuyển đổi số là việc triển khai hệ thống hoá đơn điện tử (HĐĐT). Từ tháng 7/2022, việc triển khai HĐĐT đã trở thành một quy định bắt buộc đối với các DN trên toàn quốc. Hệ thống HĐĐT giúp quản lý việc phát hành, lưu trữ, xử lý và khai thác dữ liệu hoá đơn một cách tự động, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu gian lận thuế.
Tính đến nay, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 11,48 tỷ HĐĐT, một con số ấn tượng cho thấy sự thành công trong việc triển khai hệ thống này. HĐĐT không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ mà còn tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, giảm thiểu tình trạng hoá đơn giả, hoá đơn khống.
Cục trưởng Cục CNTT Phạm Quang Toàn chia sẻ về công tác chuyển đổi số ngành thuế
Cục trưởng Phạm Quang Toàn chia sẻ, ngành Thuế cũng đã không ngừng cải tiến hệ thống CNTT để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, trong đó có việc triển khai Cổng Thông tin dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Cổng thông tin này cho phép các NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế từ bất kỳ đâu trên thế giới. Đến nay, đã có 120 NCCNN từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Singapore, Ireland, Anh… tham gia thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua hệ thống này, đóng góp tổng số thuế đạt 8.687 tỷ đồng vào NSNN trong năm 2024.
Ngoài ra, cơ quan Thuế mới đây đã ra mắt Cổng Thông tin Thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp nhận thông tin của các DN, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT. Đến nay, có 439 sàn TMĐT gửi thông tin về việc kinh doanh của các cá nhân và DN trên nền tảng này. Việc thu thập thông tin từ các sàn TMĐT giúp cơ quan thuế nắm bắt và kiểm soát hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng và tiện lợi, cơ quan thuế đã triển khai hệ thống thuế điện tử eTax dành cho DN. Đến nay, 99,93% DN đang hoạt động trên toàn quốc đã đăng ký và sử dụng dịch vụ này, cho thấy sự thành công của hệ thống thuế điện tử trong việc cải thiện quy trình làm việc và giảm thiểu thủ tục hành chính.
Tính đến nay, hệ thống eTax đã tiếp nhận và xử lý hơn 17,6 triệu hồ sơ thuế điện tử, tổng số tiền nộp thuế trên trên 968,6 nghìn tỷ đồng. Điều này chứng tỏ rằng dịch vụ thuế điện tử đang phát huy tác dụng lớn trong việc tối ưu hóa các thủ tục thuế và tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Ngành Thuế cũng đã mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân thông qua ứng dụng eTax Mobile trên thiết bị di động thông minh, giúp người dân thực hiện các thủ tục thuế một cách thuận tiện hơn. Đến nay, đã có có hơn 2,3 triệu lượt tải và cài đặt, gần 3,8 triệu giao dịch qua ngân hàng thương mại với số tiền nộp thành công gần 8,5 nghìn tỷ đồng.
Một trong những điểm mạnh trong công tác quản lý thuế hiện nay là sự kết nối chặt chẽ giữa ngành Thuế và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, ngành Thuế đã kết nối với Bộ Công an để trao đổi, sử dụng thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; với Bộ Công Thương về dữ liệu TMĐT; với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đăng ký DN và các hộ cá nhân kinh doanh; với Bộ Tài nguyên và Môi trường về liên thông nộp lệ phí trước bạ nhà đất; với Bộ Công an về nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Việc trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan này giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và giảm thiểu gian lận thuế.
Tổng cục Thuế chính thức vận hành Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số
Tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng ngành Thuế hiện đại
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra đồi hỏi ngành Thuế tập trung vào ba trụ cột chính: thể chế quản lý thuế hiện đại, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, và CNTT hiện đại, tích hợp. Ngành Thuế sẽ phát triển các hệ thống CNTT tiên tiến, sử dụng công nghệ đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong nền kinh tế số.
Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới trong hoạt động quản lý thuế. Các giải pháp công nghệ cụ thể mà ngành Thuế đang triển khai bao gồm xây dựng hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung và tái thiết kế quy trình nghiệp vụ nhằm tối ưu hóa công tác quản lý thuế. Hệ thống mới sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ công tác quản lý thuế và quản lý rủi ro thuế, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành và kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngành Thuế cũng chú trọng xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế trên nền tảng tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính và giảm thiểu việc kê khai thông tin cho NNT.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Cục trưởng Phạm Quang Toàn nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT của ngành và tập trung triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, xây dựng và triển khai hệ thống Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn,…
Hai là, cung cấp dịch vụ thuế số cho NNT giúp tăng trải nghiệm cho NNT và người dân về các dịch vụ điện tử, dịch vụ số do cơ quan thuế cung cấp.
Ba là, triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số.
Nguồn: https://www.gdt.gov.vn/